Người lao động hoặc công nhân sẽ tham gia công đoàn tại đơn vị mình đang công tác hoặc làm việc. Đây là tổ chức chính trị – xã hội quan trọng, là đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Ngoài ra còn đại diện cho công nhân, người lao động kiểm tra, giám sát hoạt động tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động. Vậy nhiệm vụ công đoàn là gì, chức năng nhiệm vụ của công đoàn cơ sở ?. Bài viết dưới đây sẽ có câu trả lời.
1. Nhiệm vụ, chức năng của công đoàn
Bất kỳ một tổ chức, đơn vị nào khi được lập ra đều mang trên mình nhiệm vụ chức năng riêng và công đoàn cũng vậy. Công đoàn được thành lập nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ sau:
1.1. Chức năng của công đoàn
Công đoàn Việt Nam có ba chức năng chính.
- Công đoàn đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động; có trách nhiệm tham gia với Nhà nước phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người lao động.
- Công đoàn đại diện và tổ chức người lao động tham gia quản lý cơ quan, đơn vị, tổ chức, quản lý kinh tế xã hội, quản lý Nhà nước trong phạm vị chức năng của mình, thực hiện quyền kiểm tra giám sát hoạt động của cơ quan đơn vị, tổ chức theo quy định của pháp luật.
- Công đoàn có trách nhiệm tổ chức, giáo dục động viên người lao động phát huy vai trò làm chủ đất nước, thực hiện nghĩa vụ công dân, xây dựng và phát triển bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Trong ba chức năng đó thì chức năng đầu tiên được xem là quan trọng nhất. Chức năng này còn mang ý nghĩa trung tâm vừa là mục tiêu, hoạt động của công đoàn.
1.2. Nhiệm vụ của công đoàn
Để hoàn thành tốt các công việc được giao phó, công đoàn phải tự mình đảm nhận các nhiệm vụ sau
- Đại diện cho người lao động tham gia với cơ quan Nhà nước xây dựng và thực hiện các chương trình kinh tế xã hội, các chính sách, các cơ chế quản lý kinh tế, các chủ trương chính sách có liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm của người lao động.
- Tập hợp, giáo dục và tuyên truyền pháp luật để người lao động hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình, của các cơ quan và các tổ chức. Từ đó tạo cho người lao động các phương thức xử sự phù hợp trong các mối quan hệ xã hội và pháp lý.
- Thực hiện các quyền đã được pháp luật ghi nhận một cách có hiệu quả để bảo vệ và chăm lo đến lợi ích và đời sống của người lao động.
- Tham gia các quan hệ trong nước và quốc tế nhằm xây dựng các mối quan hệ đối nội và đối ngoại rộng rãi, góp phần thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện tốt cho môi trường lao động xã hội.
Những nhiệm vụ này đã được thể chế trong các văn bản pháp luật của Nhà nước và chi tiết hóa thành những nhiệm vụ trực tiếp của công đoàn trong quá trình hoạt động ở các công đoàn cơ sở. Tuy nhiên để công đoàn hoạt động hiệu quả ngoài nhiệm vụ và chức năng thì công đoàn cần có những điều kiện nhất định gồm quyền tự do công đoàn, tư cách pháp nhân, quyền sở hữu tài sản, sự bảo trợ của Nhà nước và các đơn vị sử dụng lao động, các điều kiện cần thiết khác.
2. Chức năng nhiệm vụ của công đoàn cơ sở
Công đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn, được thành lập ở các Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khi có ít nhất năm đoàn viên Công đoàn hoặc năm người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam. Công đoàn cơ sở có các hình thức tổ chức như sau: Công đoàn cơ sở không có Tổ Công đoàn; Công đoàn cơ sở có Tổ Công đoàn; Công đoàn cơ sở có Công đoàn bộ phận và Công đoàn cơ sở có Công đoàn cơ sở thành viên.
Theo quy định của Điều lệ công đoàn Việt Nam 2013 thì công đoàn cơ sở trong các Cơ quan Nhà nước, Cơ quan của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp công lập; Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp Nhà nước; Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước; Công đoàn cơ sở trong các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Công đoàn cơ sở các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập sẽ có sự khác nhau.
Chức năng nhiệm vụ của công đoàn cơ sở lần lượt được quy định tại Điều 18 đến Điều 22 của Điều lệ công đoàn được đại hội công đoàn Việt Nam lần thứ Xi thông qua ngày 30 tháng 7 năm 2013.
Với những thông tin trên hy vọng các bạn đã hiểu vai trò cũng như chức năng nhiệm vụ của công đoàn nói chung và chức năng nhiệm vụ của công đoàn cơ sở. Từ đó thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ của mình trong công đoàn nhằm xây dựng công đoàn cơ sở của mình ngày một đi lên.