Đăng ký biến động đất đai là nghĩa vụ của người sử dụng đất. Trường hợp nào phải đăng ký biến động đất đai? Đơn đăng ký biến động đất đai viết như thế nào? Nếu bạn cũng đang thắc mắc về vấn đề này thì theo dõi ngay bài viết dưới đây của chúng tôi để có thêm thông tin bạn nhé!
1. Các trường hợp phải đăng ký biến động đất đai
Theo quy định, việc đăng ký biến động đất đai phải được thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp sau:
– Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền: Chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hoặc thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất
– Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được phép đổi tên
– Có thay đổi về: Hình dạng, kích thước, diện tích, số hiệu, địa chỉ thửa đất; thay đổi tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký; thay đổi thời hạn sử dụng đất
– Chuyển mục đích sử dụng đất;
– Chuyển từ hình thức Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm sang hình thức thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê
– Chuyển từ hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang hình thức thuê đất; từ thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất
– Chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của vợ hoặc của chồng thành quyền sử dụng đất chung, quyền sở hữu tài sản chung của vợ và chồng;
– Chia tách quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của tổ chức hoặc của hộ gia đình hoặc của vợ và chồng hoặc của nhóm người sử dụng đất chung, nhóm chủ sở hữu tài sản chung gắn liền với đất;
– Thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được UBND cấp có thẩm quyền công nhận; thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ…
– Xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề;
– Có thay đổi về những hạn chế quyền của người sử dụng đất.
2. Hướng dẫn viết mẫu đơn đăng ký biến động đất đai
Khi đăng ký biến động đất đai chủ sở hữu phải có mẫu đơn đăng ký biến đông đất đai theo mẫu số 09/ĐK ban hành kèm theo Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT ngày 19 tháng 5 năm 20 14 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về hồ sơ địa chính.
Hiện tại đơn đăng ký biến động đất đai mẫu 09/ĐK được đăng tải trên trang website của các Sở Tài nguyên và Môi trường nên bạn có thể truy cập vào trang website của Sở Tài nguyên và Môi trường nơi bạn ở để tải mẫu về.
Sau khi tải mẫu về bạn hãy điền đầy đủ các thông tin vào tờ đơn theo hướng dẫn dưới đây:
2.1. Phần Kính gửi
– Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất (Văn phòng đăng ký đất đai ở huyện nơi có đất).
2.2. Phần Địa chỉ
Bạn phải kê khai theo đúng tên và địa chỉ như trên giấy chứng nhận đã cấp. Trong trường hợp thông tin địa chỉ có thay đổi tên thì ghi cả thông tin trước và sau khi thay đổi (lưu ý: Nộp giấy tờ chứng minh sự thay đổi).
2.3. Phần thông tin Giấy chứng nhận đã cấp
Số vào sổ cấp Giấy chứng nhận; Ngày cấp giấy Chứng nhận (Bạn hãy dựa vào thông tin trên Giấy chứng nhận đã cấp để ghi).
2.4. Phần nội dung biến động, lý do biến động
Phụ thuộc vào lý do biến động để ghi nội dung biến động sao cho chính xác. Ví dụ: Nếu Thay đổi về nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, cụ thể có nhà mới thì khi ghi nội dung biến động phải có loại nhà, diện tích xây dựng…
Lý do biến động: Có nhiều lý do biến động, vì vậy, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể để ghi sao cho đúng, ví dụ: Chuyển mục đích sử dụng đất; Gia hạn sử dụng đất; Thay đổi địa chỉ; Giảm diện tích sở hữu đất do sạt lở tự nhiên; Thay đổi tài sản gắn liền với đất; Thay đổi tên của chủ sở hữu,…
2.5. Phần giấy tờ liên quan đến nội dung thay đổi nộp kèm theo đơn
Khi nộp đơn đăng ký biến động đất đai bạn phải nộp kèm theo các giấy tờ sau:
– Giấy chứng nhận đã cấp
– Biên lai, chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính (nếu có)
– Các giấy tờ khác theo: Tùy từng trường hợp mà người sở hữu phải nộp thêm các giấy tờ khác, ví dụ: Nếu gia hạn sử dụng đất thì phải có quyết định gia hạn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền,…
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ giấy tờ, chủ sở hữu nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai. Đối với trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện giải quyết, cơ quan có thẩm quyền nhận hồ sơ trả lại hồ sơ và thông báo rõ lý do không đủ điều kiện giải quyết trong thời hạn 03 ngày.
Trên đây là thông tin về các trường hợp phải đăng ký biến động đất đai và cách viết mẫu đơn đăng ký biến động đất đai mà bạn nên tham khảo khi muốn tìm hiểu sâu về vấn đề này.